Suốt thời gian dài từ giữa năm 2011 đến nay, không ít DN điện máy đã gặp khó khăn phải đóng cửa, sáp nhập, thậm chí là phá sản do thua lỗ nặng nề. Tuy nhiên, theo một số DN, đó chưa phải là hồi kết bởi thị trường vẫn còn sự tồn tại của nhiều DN yếu nhưng chưa “chết”. Vì vậy, “cuộc chiến” cuối cùng sẽ xảy ra để loại bỏ hoàn toàn những kẻ yếu này.
Cách loại nhau mà các DN đang làm là phá giá liên tục, khiến những đối thủ yếu không chịu nổi, phải cuốn gói ra đi, nhường lại thị phần cho kẻ mạnh.
Chiến lược để phá giá liên tục là xem xét những sản phẩm nào có lợi thế, giảm giá tăng khuyến mãi, kéo dài thời gian khuyến mãi, tạo nên xu hướng buộc các DN khác phải chơi theo nhằm xác định kẻ mạnh và kẻ yếu.
Để làm được điều này theo phân tích, DN phải có 3 điều kiện.
Thứ nhất, DN đó phải trường vốn. Có nhiều tiền mới mạnh tay đại hạ giá, chấp nhận hòa vốn hoặc thua lỗ để kéo khách hàng và dìm các DN khác.
Những DN điện máy đã tham gia thị trường chứng khoán, có cổ đông là các quỹ đầu tư nước ngoài… hiện đang theo đuổi cách làm này bởi với họ vốn chưa phải là điều bức xúc trong giai doạn căng thẳng hiện nay, nên cứ tăng cường đại hạ giá, khuyến mãi khủng để buộc các DN khác lao theo đến suy kiệt và cuối cùng là rút lui, nhường lại thị phần.
Cho đến nay, các nhà sản xuất lớn như Samsung, Toshiba, LG… đã và đang loại bỏ dần khâu trung gian bằng chính sách bán hàng mới.
Thứ hai, các DN phải có hệ thống quản lý nguồn lực tối ưu. Mọi hoạt động của DN, từ quản trị nguồn nhân lực, quản lý dây chuyền sản xuất và cung ứng vật tư, quản lý tài chính nội bộ đến việc bán hàng, tiếp thị sản phẩm, trao đổi với các đối tác, với khách hàng đều được thực hiện theo tiêu chuẩn và được cập nhật liên tục.
Một số DN điện máy Việt Nam hiện đã sử dụng hệ quản trị doanh nghiệp tích hợp – ERP (Enterprise resources Planning) là bộ giải pháp công nghệ thông tin có khả năng tích hợp toàn bộ ứng dụng quản lý sản xuất kinh doanh vào một hệ thống duy nhất, có thể tự động hoá các quy trình quản lý. ERP được thế giới đánh giá cao trong việc giúp DN tăng khả năng cạnh tranh hiệu quả, tiết kiệm chi phí.
Khi đã có phần mềm này, toàn bộ các hoạt động kinh doanh được tích hợp trên hệ thống, giúp cho việc cập nhật thông tin về hoạt động kinh doanh được liên tục và thông suốt. Người quản lý có thể xem xét mọi hoạt động kinh doanh như sản phẩm nào đang có lời, sản phẩm nào thua lỗ, tồn kho bao nhiêu, chi phí ra sao… bất kỳ lúc nào, qua đó có thể phân tích và ra quyết định ngay lập tức mà không phải chờ các báo cáo định kỳ.
Tuy nhiên, chi phí cho phần mềm quản lý này khá đắt nên những DN không có tiềm lực tài chính khó có được. Như vậy, khi các DN khác phá giá thì cũng chỉ biết làm theo mà chưa rõ sản phẩm của mình lỗ lãi ra sao. Đến khi có báo cáo thì đã quá muộn, điều chỉnh không kịp.
Thứ ba, phải tạo ra tầm bao phủ rộng khắp để bành trướng và chiếm thị phần của các DN khác. Xu hướng bây giờ không phải là đầu tư những đại siêu thị như trước nữa mà chỉ cần những siêu thị vừa phải diện tích 2.000m2 nhưng thâm nhập vào những khu vực đông dân cư có nhu cầu cao.
Hiện tại, giá thuê mặt bằng đã giảm rất mạnh, tại nội thành Hà Nội, giá thuê chỉ ở mức 10 USD/m2/tháng. Việc tìm thuê được địa điểm tốt rât dễ, cùng với đó các nhà sản xuất, cắt giảm mạnh khâu phân phối trung gian, tăng hỗ trợ cho những DN bán hàng trực tiếp đến người tiêu dùng, điều này góp phần làm cho điểm hòa vốn của các siêu thị giảm mạnh.
Một số DN điện máy tại Hà Nội cho biết, một siêu thị điện máy hiện tại với 2.000 m2 chỉ cần đạt doanh số 600 triệu đồng/ngày là đã hòa vốn, khác xa trước đây phải đạt doanh số 2 tỷ đồng/ngày. Đây cũng là cơ hội cho những DN điện máy có tiềm lực.
Điều này lý giải vì sao trong khi nhiều DN điện máy đang phải thu hẹp kinh doanh do thua lỗ, thì không ít các DN đang bung ra với hàng loạt siêu thị mới. Trần Anh đầu tháng 8/2012 mở một siêu thị tại đường Đại Cồ Việt (Hà Nội), sắp tới lại tiếp tục mở siêu thị tại Tôn Đức Thắng, Đại Mỗ, Thanh Xuân và Giải Phóng ( Hà Nội), Pico, Nguyễn Kim cũng sắp khai trương một số siêu thị điện máy mới tại Hà Nội Hải Phòng, TP.HCM.
Cho đến nay, nhiều sản phẩm điện máy đã hạ giá rất thấp, chỉ cần 6 triệu đồng, khách hàng đã có thể mua được một chiếc tivi LED, thậm chí nếu chấp nhận thương hiệu không nổi tiếng thì giá còn thấp hơn. Chẳng hạn, một số siêu thị hiện đang bán tivi LED thương hiệu TCL Trung Quốc loại 32 inch, giá chỉ còn 4,9 triệu đồng. Còn tivi LCD thì giảm rất mạnh. Tivi LCD 32 inch thương hiệu nổi tiếng của Nhật là Akai giá chỉ còn 3,9 triệu đồng.
Theo dự báo của các DN, từ nay tới cuối năm 2012 sẽ còn nhiều các chương trình khuyến mãi, giảm gía được tung ra liên tục và đến quý I/2013 thì “cuộc chiến” sẽ an bài, số phận nhiều DN điện máy lúc đó sẽ được định đoạt và thị trường được sắp xếp lại.
Các nhà sản xuất hàng điện máy nay cũng thay đổi chính sách bán hàng. Nhận thấy khâu trung gian làm tăng chi phí cho sản phẩm đến 10% nên nhiều nhà sản xuất đã quyết định cắt giảm, bỏ khâu phân phối qua các đại lý bán buôn mà đưa thẳng hàng cho các nhà bán lẻ trực tiếp nhằm giảm giá sản phẩm để tạo lợi thế cạnh tranh.Cho đến nay, các nhà sản xuất lớn như Samsung, Toshiba, LG… đã và đang loại bỏ dần khâu trung gian bằng chính sách bán hàng mới. Giá thấp hơn sẽ tạo ra lợi thế cho DN bán buôn, còn DN bán lẻ khó tiếp cận được với nhà sản xuất trực tiếp nếu không có số lượng doanh số lớn.
Nhưng hiện nay, kinh tế khó khăn nên nhu cầu điện máy giảm mạnh khiến giá cả cũng xuống liên tục, vì thế nhà sản xuất đã xem xét lại cách làm này. Theo tính toán, cắt bỏ khâu trung gian sẽ giảm được từ 3-10% chi phí nên nhiều hãng ấn định giá bán như nhau cho tất cả khách hàng, dù mua nhiều hay mua ít. Tuy nhiên, nếu bán trực tiếp cho người tiêu dùng sẽ được hãng hỗ trợ từ 3-4% giá. Cách làm rất đơn giản, chỉ cần khách hàng khi mua sản phẩm, nhắn tin SMS thông báo để xác nhận tới trung tâm bảo hành mã số sản phẩm. Trung tâm kiểm tra xác nhận đúng là người tiêu dùng mua, thì sẽ giảm giá 4% cho siêu thị, cửa hàng. Hoặc mua bằng thẻ tín dụng sẽ được giảm tới 10%, còn bán buôn sẽ không được nhận phần hỗ trợ này. |